Main
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân việt nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024);

Giá trị đặc biệt của bộ Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình

Thứ sáu, 01/10/2021

       Bộ Phủ Việt (hay còn gọi là búa, rìu) đang được lưu tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư.

       Bộ Phủ Việt được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, gồm 02 cái, đặt đối xứng nhau hai bên nhang án ở tòa bái đường đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Phủ Việt bên trái dài tổng thể 300cm, dày 07cm, gồm 3phần: Phần đầu (dài 115cm, rộng 81cm), cán (dài 185cm, chu vi cán 25cm) và phần lưỡi (rộng 29 cm, chu vi lưỡi 31 cm); Phủ Việt bên phải dài tổng thể 299cm, dày 07 cm, gồm 3phần: Phần đầu (dài 118cm, rộng 81,5cm), cán (dài 181cm, chu vi cán 25cm), lưỡi (rộng 29 cm, chu vi lưỡi 30 cm); Mỗi bên nặng 45kg.

          

        Phủ Việt đền Vua Đinh Tiên Hoàng được chế tác dựa trên hình ảnh chiếc rùi chiến kết hợp đinh ba, là một trong những binh khí làm đồ chấp kích - lỗ bộ trong hệ thống đồ tế khí tại đền thờ các vị anh hùng dân tộc, trở thành vật thiêng trong không gian thờ cúng của người Việt. Phủ Việt ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được trang trí tinh xảo và cầu ký, cách điệu khác xa với hình thức thực tế, trở thành một tác phẩm điêu khắc độc đáo.

        Bộ Phủ Việt có niên đại thế kỷ XVII, còn khá nguyên vẹn, bao gồm 03 phần: Phần đầu, phần lưỡi và phần cán.

       Phần đầu được tạo thành từ một con rồng lớn và năm con rồng con, tạo thành một ổ rồng. Rồng mẹ thân uốn thành 09 khúc. Năm rồng con xoắc xuýt uốn lượn, ẩn hiện trong những đao lửa của rồng mẹ. Những rồng con có thân nhào xuống dưới, đuôi ngược lên phía trên giống như rồng mẹ.

       Phần lưỡi được tạo thành từ một quầng lửa phun ra từ miệng rồng lớn, mang hình dáng như một lưỡi rìu, sơn son.

       Phần thân có tiết diện bát giác, kích thước rất lớn, một tay không thể nắm hết (Các  Phủ Việt hiện có ở Việt Nam phần thân thường có thiết diện hình tròn).

       Các họa tiết hoa văn đao mác, sóng nước, đao phủ trên Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là hoa văn đặc trưng của nghệ thuật điêu khác thế kỷ XVII.

        Các văn bia còn lưu giữ tại di tích cho thấy, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng trải qua nhiều lần trùng tu vào thời Hậu Lê và Nguyễn, trong đó có 02 lần trùng tu lớn vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII.

       Tấm bia Tiền triền Đinh Tiên Hoàng Đế miếu công đức bi ký, lập năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) ghi lại khoảng cuối  những năm Quang Hưng đến đầu những năm Vĩnh Trị thời Hậu Lê đền được xây dựng lại, quay hướng đông. Tấm bia Tiền triền Đinh Tiên Hoàng Đế miếu công đức bi ký tịnh minh lập năm Mậu Thân – Hoằng Định thứ 9 (1608) cho biết chúa Trịnh Tùng đã sai Quận công Bùi Thời Trung trùng tu đền. Đến năm Bính Thìn - Vĩnh Trị thứ nhất (1676) trùng tu lớn cả hai đền thờ Vua Đinh và Vua Lê. Cuối thế kỷ XVII, năm Bình Tý niên hiệu Chính Hòa 17 (1696) đền được trùng tu một lần nữa, sự việc được ghi lại tại văn bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký. Cũng theo nội dung bia này cho thấy việc trùng tu đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, tạo tác và đặt đồ tế khí trong không gian thờ cúng  tại đền Vua Đinh Tiên Hoàng là việc làm của nhân dân để tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng đế. Vì vậy, có thể khẳng định: Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được tạo tác trong giai đoạn trùng tu (1608 -1696).

       Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật gốc, độc bản, mang giá trị đặc biệt của giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật điêu khác gỗ dân gian Việt Nam thế kỷ XVII với những đường nét trạm nổi, trạm thông phong tỉ mỉ, tinh tế, tạo nên những đường cong uyển chuyển, thanh thoát cùng với kỹ thuật sơn son thếp vàng đạt tới đỉnh cao nên đã trải qua trên 400 năm vẫn giữ được màu sắc như xưa.

       Phủ Việt của Việt Nam nói chung, Phủ Việt thờ ở đền Vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng có những đặc điểm riêng biệt hết sức rõ ràng, từ kỹ thuật chạm khắc sơn bó, sơn son thếp vàng đến ý nghĩa biểu tượng trong đời sống xã hội, phản ánh về một nền văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt Nam, không chỉ là biểu hiện cho thần quyền mà còn thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc.

       Phủ Việt trong các di tích ở Việt Nam nói chung được trang trí hình con Nhai Xế ngậm lưỡi rìu. Nhai Xế có nguồn gốc từ thuyết long sinh cửu tử của Trung Hoa, là linh vật hiếu sát nên thường gắn ở chuôi kiếm, chuôi đao, làm tăng mức độ sát khí cho vũ khí. Nhai Xế có điểm khác biệt với rồng là không có chân, thân ngắn và miệng rất lớn. Mỹ thuật truyền thống Tây Tạng thường dùng đồ án Makara ngậm lưỡi rìu. Đây cũng là đồ án được sử dụng khá phổ biến ở rìu Việt. Tuy nhiên, Phủ Việt ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng xuất hiện đồ án rồng ổ, đây là đồ án  duy nhất có trên Phủ Việt của Việt Nam đến nay, cho thấy nỗ lực tạo dựng bản sắc văn hóa Việt của cha ông ta.

        Trải qua thời gian, các hiện vật khác trong bộ chấp kích chế tác trong giai đoạn này bị hư hỏng, thất lạc, hiện chỉ còn lưu giữ nguyên vẹn bộ Phủ Việt và bộ quả chùy bị sứt mẻ nhiều hoa văn họa tiết. Phủ Việt cùng với các hiện vật khác trong bộ chấp kích ( đã được phục chế) bài trí trong không gian thờ cúng hiện nay đã góp phần tạo nên sự uy nghiêm trong không gian thờ cúng ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.

       Phủ Việt ở đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo thể hiện tài năng của người sáng tạo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân thế kỷ XVII.  Các họa tiết hoa văn và sự cách điệu một loại vũ khí thành một tác phẩm điêu khắc gỗ với đề án rồng ổ mang hàm nghĩa về sức mạnh dân tộc, về tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình, khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị độc đáo và nổi bật, Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một tài liệu vật chất quan trọng để nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật thế kỷ XVII ở nước ta.

       Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng thờ vị vua mở nền thống nhất quốc gia, xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt, do vậy các đồ tế khí ở đây đều hết sức tinh xảo, thể hiện sự quan tâm của các triều đại phong kiến cũng như lòng thành kính, tri ân của nhân dân với vị vua có công khai mở, lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở nước ta.

Vũ Thị Thu, Phó Giám đốc Bào tàng Ninh Bình

Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
487387

Trực tuyến: 5

Hôm nay: 214

Hôm qua: 403