Main
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024); 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2024); 84 năm Xô Viết- Nghệ Tĩnh (12/9/1930  - 12/9/2024).

Sự hồi sinh của làng nghề gốm Bồ Bát

Thứ ba, 09/11/2021

       Ninh Bình là một vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều làng nghề truyền thống còn lưu tồn đến ngày nay. Một trong những làng nghề được lưu danh là làng gốm Bồ Bát, tương truyền là nơi khởi nguồn của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

       Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Yên Thành là xã miền núi, nằm ở phía tây nam huyện Yên Mô, là nơi đã phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học Mán Bạc nổi tiếng. Diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm trên 50%, đa dạng về loại đất nhưng đặc biệt nhất là có lượng đất sét trắng dồi dào - là cơ sở cho việc hình thành và phát triển làng nghề gốm truyền thống từ xa xưa.

       Tương truyền, làng gốm Bồ Bát đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm độc đáo. Điều này được chứng minh qua các đợt khai quật khảo cổ học tại khu di tích Mán Bạc ở thôn Bạch Liên thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (giai đoạn tiền Đông Sơn) có niên đại hơn 3500 năm. Vào các năm 1999, 2001, 2004 - 2005, 2005, 2007, Bảo tàng Ninh Bình và Viện khảo cổ học đã khai quật và phát hiện nhiều loại hình hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có nhiều hiện vật gốm: Nồi gốm, bát gốm, bình gốm, bi gốm….Căn cứ vào loại hình và hoa văn trên  gốm có thể nhận định: Cư dân Mán Bạc đã biết dùng bàn xoay để làm đồ gốm, tạo hoa văn bằng cách khắc vạch, kẻ sọc, văn thừng thô và nung ở nhiệt độ cao. Một hiện vật chứng tỏ kỹ thuật chế tác gốm khá phát triển của người Mán Bạc đó là vật hình nấm. Đây là công cụ dùng để chế tác đồ gốm. Điều này cho thấy nghề gốm ở Bồ Bát đã hình thành và phát triển từ đó. Tuy nhiên, vào năm 1010, những nghệ nhân giỏi của làng nghề đã theo triều đình nhà Lý dời đô về Thăng Long và định cư ở vùng ven sông Hồng, nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng ngày nay.

       Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình rời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ Bồ Bát đã bị “thất truyền” từ đó. Dẫu vậy, nhiều thế hệ người làng Bồ Bát đã luôn trăn trở tìm cách khôi phục lại nghề của cha ông.

       Năm 2001, với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống của ông cha, anh Phạm Văn Vang - người con của đất Bạch Liên (xưa là Bồ Bát) ra Bát Tràng học nghề làm gốm. Với sự quan tâm, giúp đỡ của các nghệ nhân có tâm huyết ủng hộ con em tổ nghề xưa, đến năm 2003, anh Vang học thành nghề, trở về quê hương dựng nghiệp. Năm 2004, anh Vang đã tuyển 10 lao động có tình yêu với gốm ra Bát Tràng học nghề và bắt đầu manh nha sản xuất gốm tại quê hương. Năm 2011, sau khi chuẩn bị tốt các điều hiện cho sản xuất như nhà xưởng, nhân công, máy móc, nguyên vật liệu, anh Phạm Văn Vang đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 300m2 nhà xưởng, mua sắm thêm lò nung, máy nghiền đất…tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương.

Những người thợ trẻ đang hoàn thiện sản phẩm

       Theo chia sẻ của những người thợ thủ công, để tạo ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh cần trải qua các công đoạn:

       - Chọn đất: Để sản xuất ra các sản phẩm gốm Bồ Bát, nguồn nguyên liệu quan trọng nhất là đất sét trắng. Loại đất sét này được lấy ở các đồi xung quanh khu vực xã Yên Thành - đây cũng là nơi xa xưa cha ông làng Bồ Bát lấy làm gốm cổ. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số một hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác những vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.

       - Xử lý đất: Đất sét phải được xử lý để loại bỏ các tạp chất chứa trong nó.

       Trong quá trình xử lý, tùy theo từng loại gốm mà người ta có thể pha thêm cao lanh ở mức độ nhiều ít khác nhau. Có loại đất sét mỡ ít cát, hút nước nhiều, quá dính thì phải pha thêm cát và một số chất không dẻo để chống rạn nứt trong khi phơi hay nung gốm.

       - Tạo dáng: Đây là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất. Từ những mảng đất đã được xử lý, người thợ bắt đầu truyền cho mỗi sản phẩm một hình dáng riêng biệt. Người thợ gốm có thể dùng phương pháp vuốt tay, be chạch trên bàn xoay hoặc tạo hình theo khuôn in.

       - Trang trí họa tiết: Để nâng cao tính nghệ thuật cho tác phẩm gốm, người thợ gốm dùng bút lông vẽ màu lên sản phẩm với đủ loại hoa văn. Sản phẩm gốm được trang trí hoa văn bằng nhiều phương pháp như: vẽ trên gốm (người thợ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên nền mộc các hoa văn họa tiết, điều này đòi hỏi thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hòa với dáng gốm, các trang trí họa tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm), đánh chỉ (định vòng tròn quanh miệng, thân hoặc chân sản phẩm bằng màu hoặc men màu) hay bôi men chảy (một loại men trang trí) lên miệng sản phẩm để khi nung men chảy tỏa xuống tạo nên những đường nét màu sắc tự nhiên hài hòa. Ngoài ra, một số sản phẩm có hoa văn khắc chìm vào xương gốm được thực hiện bằng phương pháp in khuôn.

       - Cắt gọt và khắc vạch: Sản phẩm sau khi tạo dáng còn ướt và rất dễ biến dạng, do đó phải tiến hành phơi sản phẩm sao cho khô đều, không bị nứt nẻ, không làm thay đổi hình dáng sản phẩm. Sau đó, người thợ tiến hành sửa, gọt, cạo nhẵn… theo đúng ý muốn. Các chi tiết khác như: quai, tai hoặc trang trí các hình động vật nổi, hoa lá… Tất cả đều được thực hiện ở công đoạn này. Khắc vạch là phương pháp trang trí hoa văn chủ yếu. Người thợ gốm vẽ hoặc khắc vạch trực tiếp lên sương gốm sau đó đem nung.

       - Làm men gốm: Đối với sản phẩm gốm, nước men gốm là nguyên liệu rất quan trọng. Để tạo men, những người thợ thủ công phải chế tác, luyện từ đá vôi trắng, trấu lúa nếp 6 tháng, rễ cỏ Bát, cùng một số phụ gia khác như vỏ sò, hến (tại địa phương). Về màu sắc của men, nổi bật với các màu như: Trắng, xanh ngọc, tro, búp dong, men lam, men dạn… Thông thường, để làm được một nước men hoàn chỉnh cần thời gian luyện khoảng một tuần, điều đó thể hiện sự tỉ mỉ, sáng tạo của người thợ thủ công. Kỹ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men”. Sau đó, người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm một lần cuối trước khi đưa vào lò nung. Trước hết phải xem kĩ từng sản phẩm xem có chỗ nào khuyết men thì phải bôi quệt men vào các vị trí ấy; tiếp theo họ tiến hành “cắt dò”, tức cạo bỏ những chỗ dư thừa men, công việc này gọi là “sửa hàng men”.

       - Nung đốt sản phẩm gốm: Đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Các sản phẩm của xưởng gốm Bồ Bát được nung ở nhiệt độ 3000oC với nguyên liệu đất sét riêng mà chỉ nơi này mới có, đã tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ.

       Gốm Bồ Bát nổi tiếng bởi sắc trắng độc đáo, có nhiều sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt từ thuở sơ khai cho đến khi được khôi phục lại và phát triển. Đến nay, các sản phẩm gốm do nghệ nhân làng gốm Bồ Bát làm ra với đủ chủng loại, mẫu mã, giá trị sử dụng khác nhau nên được nhiều người ưa thích, từ vật vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm nghệ thuật. Cụ thể:

       - Bộ ấm chén, trà (20 mẫu)

       - Lọ, bình hoa (hơn 20 mẫu)

       - Bát, đĩa (7 mẫu)

       - Tượng các loại (phù hợp với tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa địa phương)

       - Tranh gốm, sứ…

       Bằng những phấn đấu không mệt mỏi, các sản phẩm của doanh nghiệp gốm Bồ Bát đã được đánh giá cao về giá trị cũng như văn hóa, du lịch của tỉnh Ninh Bình và Việt Nam:

       - Năm 2008, sản phẩm gốm Bồ Bát được anh Phạm Văn Vang mang đến giớithiệu tại triển lãm hàngthủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. rất nhiều người đã bất ngờ khi biết về dòng gốm đã thất truyền.

       - Tháng 10 năm 2010, sản phẩm gốm Bồ Bát đã được tỉnh Ninh Bình chọn đidự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

       - Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm gốm “Lọ hoa thiếu nữ” được ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, sở Công thương tặng giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp và nông thôn tiêu biểu”.

       - Năm 2015, sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát được bộ Công thương vinh danh trong lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

       Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ với niềm đam mê, sự tâm huyết của nghệ nhân Phạm Văn Vang và những người thợ gốm nơi đây, gốm Bồ Bát đã được thị trường đón nhận tích cực, ước mơ khôi phục và phát triển nghề gốm cổ cũng được thực hiện. Ngày nay, gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường thế giới như Mỹ, Nhật…Sự hồi sinh và sức sống của làng nghề gốm góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã và phát triển kinh tế địa phương.

Vũ Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình

Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
450279

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 43

Hôm qua: 579