Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại. Nó tuân theo các quy luật riêng bao gồm: Giá trị, cung cầu, cạnh tranh, lưu thông tiền tệ và giá trị thặng dư; ở đó tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu cùng tham gia, cùng vận động và phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định. Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế thị trường tạo ra môi trường cho các chủ thể trong xã hội thỏa mãn đam mê, sáng tạo trong vấn đề kinh doanh, sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để tăng cường sự cạnh tranh của các thành phần trong nền kinh tế, phát triển hoạt động trao đổi, mua bán trên thị trường. Có thể kể đến một số mô hình kinh tế điển hình cụ thể như: kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường, xã hội, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa....
Mục tiêu chung, khái quát của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vừa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời phải hướng tới mục tiêu như đã nói ở trên, tạo nền tảng đảm bảo tính nhân văn, quyền con người và hạnh phúc của nhân dân, không vì lợi ích của một nhóm đối tượng, thành phần nào trong xã hội. Khi đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần chuyển đổi cơ cấu, nguồn lực, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, trong quá trình hoạt định và vận hành phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, tốc độ và chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn sản xuất với thị trường, phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng của các thành phần kinh tế, thể chế dần được hình thành, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta còn không ít khó khăn, phức tạp cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn; vấn đề tác động của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề không mới, song cũng còn nhiều nội dung cần bàn luận.
Khách quan là những sự vật, sự việc, hiện tượng hình thành, tồn tại một cách ngẫu nhiên và mặc định, không phụ thuộc vào ý chí hay mong muốn của một chủ thể nào đó. Không chịu sự chi phối, tác động của bất kỳ ai. Đó là những gì thuộc về tự nhiên, vốn dĩ đã có trước khi con người có nhận thức hoặc có ý định tác động.
Chủ quan được hiểu là suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng, tâm lý, tình cảm, cách nhìn nhận... của con người được hình thành trong quá trình nhận thức và tích luỹ thông qua hoạt động thực tiễn; từ đó nảy sinh hành động, cách ứng xử, giải quyết các vấn đề của mỗi cá nhân riêng biệt.
Khách quan là nền tảng, cơ sở, có vai trò quyết định đối với chủ quan. Quy luật khách quan tồn tại độc lập và không lệ thuộc vào ý thức chủ thể. Do đó, việc một chủ thể nào đó mong muốn áp đặt các vấn đề khách quan là điều không thể, chính vì vậy, mọi hành động, việc làm của mỗi con người đều được hình thành và phát sinh dựa trên các yếu tố khách quan tồn tại ngẫu nhiên, sẵn có. Từ chính những sự trải nghiệm và tiếp xúc với các vấn đề khách quan, sau quá trình tư duy mà có được nhận thức tạo nên suy nghĩ, tình cảm, ý chí và hành vi ứng xử.
Con người trong quá trình tiếp xúc và nhận thức khách quan có thể cải tạo, điều chỉnh khách quan, tuy nhiên cần phải có những điều kiện nhất định như không gian, thời gian, kiến thức, năng lực, thái độ... điều kiện và hoàn cảnh sống của con người được tạo ra bởi các yếu tố khách quan, nhưng do con người nhận thức được những quy luật khách quan mà hình thành kỹ năng, thói quan để ứng phó phù hợp với hoàn cảnh và quy luật khách quan đáp ứng mong muốn, nhu cầu của bản thân. Mặt khác, từ những trải nghiệm, cùng quá trình trau rồi, rèn luyện, con người có thể tự mình quyết định và tạo ra đời sống bản thân.
Tóm lại, khách quan và chủ quan là 2 yếu tố luôn tồn tại song hành trong mỗi chủ thể, có quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết, cân bằng, đối trọng, kiểm soát và chi phối lẫn nhau. Để phát triển một cách đầy đủ và toàn diện, con người phải nhận thức được khách quan và dựa vào khách quan để có các quyết định phù hợp, đồng thời dùng ý chí và khả năng chủ quan để tác động làm thay đổi khách quan theo hướng có lợi cho mục đính bản thân.
Về thực tiễn khách quan, trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xuất hiện nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, quan hệ hàng hoá - tiền tệ có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, điều đó cho thấy, các yếu tố của kinh tế hàng hoá hình thành, đó là biểu hiện đặc trưng của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ở nước ta, đường lối phát triển đất nước được xác định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Do đó, dù xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, song không thể tách khỏi mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, đây cũng là lựa chọn tất yếu, vừa phù hợp với quy luật khách quan như đã nói trên, đồng thời cũng phù hợp mục tiêu phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc... phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc phát triển kinh tế thị trường cũng là tiền đề, điều kiện, phương thức và động lực để thực hiện thành công mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tri thức ngày một phát triển, hoà bình và hợp tác là xu thế lớn, cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng, các hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực giúp nền kinh tế nước ta sớm hoà cùng dòng chảy chung của kinh tế thế giới, chính vì vậy, để thích nghi và có đủ sức kháng cự trước những biến động khôn lường cùng nhiều nguy cơ bất ổn, buộc chúng ta phải lựa chọn khách quan, phù hợp với thời đại đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về chủ quan, trước hết phải kể đến vai trò cầm quyền và độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đề ra các chủ trương, đường lối, nghị quyết. Đảng ta đã tổng kết thực thực tiễn, nâng tầm lý luận, sáng suốt lựa chọn đúng đắn việc phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Bên cạnh đó là sự ứng phó linh hoạt, kịp thời thông qua các quyết sách trong quá trình tổ chức thực hiện của Nhà nước với phương châm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" đã để lại những dấu ấn quan trọng với những thành tự to lớn trên mọi lĩnh vực.
Đồng thời còn có sự đồng thuận, thống nhất cao và năng lực làm chủ của nhân dân cùng chính quyền các cấp đã hiện thực hoá một cách cụ thể các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển.
Thực trạng điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy, hai yếu tố này có quan hệ tương hỗ, qua lại, quy định lẫn nhau. Nếu điều kiện khách quan có vai trò quyết định thì nhân tố chủ quan giữ vị trí quan trọng, là điều kiện cần và đủ để có thể giúp tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, hài hoà trong bức tranh chung của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Như vậy, để tận dụng, phát huy có hiệu quả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ cần làm tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục phát huy, tận dụng tối đa các điều kiện khách quan. Duy trì và phát triển quan hệ sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, phát triển các loại hình doanh nghiệp. Bám sát, tuân thủ đầy đủ các quy luật khách quan và các quy luật của kinh tế thị trường. Tranh thủ, phát huy các lợi thế sẵn có thu hút đầu tư, tích cực chuyển dịch cơ cấu hợp lý, cân đối các nguồn lực, tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh số hoá trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm.
Điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế theo thừng giai đoạn sao cho phù hợp với tình hình, diễn biến của kinh tế thế giới, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, tránh tăng trưởng nóng và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát, có chính sách tiền tệ, tài khoá đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế. Tăng cường hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ; nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý các hoạt động kinh tế.
2. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp; năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước; khích lệ nhân dân hiến kế và chủ động trong phát triển kinh tế các thành phần.
3. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Từ thực tiễn triển khai thực hiện, đánh giá, phân tích những thành tự đtạ được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ khắc phục. Từ đó, khái quát, tổng kết, nâng tầm lý luận nhằm hoàn thiện những đặc điểm đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”, qua đây cho thấy một góc nhìn mới, một quan mới về thực tiễn và lý luận đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hiện thực mới.
Nguyễn Xuân Quỳnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2]. Đặng Quang Định, (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trượng định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, https:// www.tapchicongsan.org.vn/, 18/7/2021.
[3]. Vũ Văn Hiền, (2020), “Đặc điểm và xu hướng phát triển của thời đại”, Trang Thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, https://hdll.vn/, 12/6/2020.
[4]. Hoàng Phê (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
[5]. Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản số 966, 5/2021.
Trực tuyến: 8
Hôm nay: 60
Hôm qua: 274